Là tình trạng đáng báo động và có xu hướng ngày càng gia tăng, nguồn gốc các trường hợp học sinh đánh nhau, bạo lực học đường này có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau.
"Cái tôi" của học sinh đi quá xa và trở thành bạo lực
Dưới góc nhìn của người từng bị bạo lực, B.T.D (sinh viên năm 4, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận thấy, các trường hợp bạo lực học đường ở học sinh xảy ra bởi cái tôi của học sinh quá lớn. Học sinh thường thích thể hiện sức mạnh, thể hiện mình mạnh mẽ hơn các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, việc thể hiện đôi khi đi quá xa, trở thành bạo lực gây ảnh hưởng đến thể xác và tâm lý các bạn khác.
Cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường, T.T.T (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Quốc tế ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, bạo lực học đường còn xuất phát bởi phần lớn nguyên nhân từ môi trường học tập và môi trường sống ảnh hưởng đến tính cách và suy nghĩ.
Bạo lực học đường dẫn đến nhiều tác hại như khiến học sinh lười đến trường vì sợ (sợ đến trường, sợ bạn đồng trang lứa), thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm. Hoặc có những học sinh chọn cách phản kháng dẫn đến ẩu đả gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Trong những trường hợp đó, nếu thầy cô, nhà trường không đưa ra được phương pháp giải quyết thỏa đáng sẽ gây ức chế cho nạn nhân và gia đình nạn nhân bị bạo lực.
Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường diễn ra, T.T.T quan niệm: "Theo tôi, giải pháp tối ưu nhất phải đến từ cả gia đình và nhà trường phối hợp giúp các em thay đổi suy nghĩ và hành động. Giáo dục lại hành động của các em, nói cho các em biết thế nào là đúng sai, cái nào nên và không nên làm".
Đồng quan điểm, B.T.D cũng cho rằng học sinh cần được giáo dục cách tôn trọng bạn bè của mình, không được sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Đồng thời cần tập cho học sinh tính không hơn thua, không được ỷ mạnh hiếp yếu.
Giải pháp cho thực trạng đáng báo động
Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, thành viên Hội đồng chuyên môn giáo dục công dân, Sở GD-ĐT TP.HCM, tổ phó chuyên môn giáo dục công dân quận 10, tổ trưởng chuyên môn Trường THCS-THPT Diên Hồng, cho biết, nguyên nhân chủ yếu của bạo lực học đường xuất phát từ 2 nhóm: nguyên nhân chủ quan (sự thay đổi về tâm sinh lý trong độ tuổi dậy thì, học sinh muốn chứng tỏ và khẳng định mình, học sinh trở nên hiếu thắng, hơn thua nhau hay cũng có thể xuất phát từ những mâu thuẫn trong quá trình học…). Nguyên nhân khách quan (việc giao lưu, kết bạn với các học sinh cá biệt hoặc ảnh hưởng trong tiềm thức do bạo lực gia đình, phim ảnh và các nội dung mang tính bạo lực).
"Nếu học sinh chưa thực sự nhận thức tốt, bạo lực học đường sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Học sinh thực hiện hành vi bạo lực sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của nhà trường. Nếu đủ tuổi, các em còn phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi mình gây ra tùy theo mức độ nghiêm trọng. Bạo lực học đường còn gây nhiều ảnh hưởng cho nạn nhân bị bạo lực về tâm lý (sợ sệt, lo lắng, thiếu tự tin từ đó ảnh hưởng quá trình học tập) và sức khỏe (tổn thương thể xác do sự tác động vật lý xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng)", thầy Tuấn nhận định.
Nhằm phòng chống vấn nạn học sinh đánh nhau cũng như bạo lực học đường, thạc sĩ Thanh Tuấn khẳng định bản thân học sinh cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống, học cách kiềm chế cảm xúc, ngoan ngoãn, lễ phép đồng thời tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường lớp để tăng cường sự gắn kết với bạn bè. Khi nhận thấy có hành vi bạo lực xảy ra phải báo ngay cho nhà trường, thầy cô để can thiệp và xử lý kịp thời.
Thầy Tuấn nói thêm: "Về phía nhà trường, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động mang tính định hướng nhân cách, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp. Song song đó cần có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra bạo lực và có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân. Tăng cường các hoạt động truyền thông, phối hợp với gia đình và cơ quan, đoàn thể để phòng tránh bạo lực học đường".
"Giáo viên cần quan tâm, theo dõi tình hình học sinh trong lớp, phối hợp với gia đình và nhà trường hỗ trợ kịp thời những khó khăn của học sinh. Có biện pháp can ngăn, giáo dục kịp thời đối với những trường hợp có nguy cơ dẫn đến việc học sinh đánh nhau, bạo lực đường. Đặc biệt, đối với gia đình, bố mẹ cần tạo môi trường sống lành mạnh cho con cái và phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học", thạc sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn: Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?
Mới đầu năm học mà bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở các địa phương với nhiều hình thức khác nhau gây ra nhiều hệ lụy. Có học sinh bị đình chỉ học tập, học sinh vào bệnh viện cấp cứu, thậm chí có học sinh tử vong... Tình trạng này đang ở mức báo động khiến nhiều người âu lo.
Nhằm đi tìm nguyên nhân cốt lõi đồng thời có được những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, Báo Thanh Niênmở diễn đàn "Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?". Chúng tôi mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý độc giả.
Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ [email protected]. Những bài viết chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn.