Cuộc cạnh tranh cho danh hiệu Vua phá lưới ở V-League từ lâu là "sân riêng" của các ngoại binh,Đuavuaphálướxem trực tiếp bóng đá khi các tiền đạo nội lép vế so với đồng nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh yếu tố thể hình, khả năng tì đè và sức mạnh đặc trưng của các chân sút ngoại vốn vượt trội nội binh, các đội bóng cũng có xu hướng giao vị trí trung phong và nhiệm vụ ghi bàn cho cầu thủ ngoại.
Với 3 suất ngoại binh, các đội thường ưu tiên 2 suất (2 tiền đạo, hoặc 1 tiền vệ, 1 tiền đạo) cho hàng công, suất còn lại cho trung vệ. Ngoại binh này được ưu tiên dồn bóng để ghi bàn, còn các nội binh đóng vai trò vệ tinh, hỗ trợ và kiến tạo.
Trong 21 mùa giải V-League đã qua (tính từ năm 2003 đến nay), có tới 20 mùa giải Vua phá lưới là ngoại binh. Ngoại lệ duy nhất là V-League 2017, khi tiền đạo Anh Đức về nhất với 17 bàn trong màu áo CLB Quảng Nam. Những năm gần đây, dàn cầu thủ ghi bàn đều đặn nhất giải chỉ gồm những cái tên ngoại như Rimario Gordon, Bruno Cunha, Rafaelson hay Pedro Paulo.
Hai cầu thủ nội có thành tích ghi bàn ổn nhất mùa trước gồm Văn Quyết (9 bàn) và Đức Chiến (7 bàn) lại không phải tiền đạo, mà chơi ở hàng tiền vệ. Đức Chiến có mùa giải bùng nổ cùng CLB Viettel, nhưng không đơn giản để duy trì thành tích ghi bàn đều đặn trong nhiều mùa.
Văn Quyết ghi bàn liên tục và nếu không bị treo giò 8 trận mùa trước, thủ quân CLB Hà Nội có thể nâng số bàn thắng vượt qua con số 9 thực tế. Tuy nhiên từ mùa giải 2016 đến nay, Văn Quyết không còn ghi quá 9 bàn mỗi mùa.
Chân sút 32 tuổi đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, dù vẫn đóng vai trò rất quan trọng ở CLB Hà Nội như dẫn dắt lối chơi, kiến tạo hay ghi bàn, nhưng anh khó cạnh tranh bàn thắng với những ngoại binh được "bơm" bóng liên tục.
Các tiền đạo nội hàng đầu hiện nay được HLV Philippe Troussier tin dùng ở đội tuyển Việt Nam cũng có những vấn đề riêng.
Tuấn Hải không đá tiền đạo ở CLB Hà Nội, mà phải dạt cánh, có những trận bị kéo lùi xuống chơi hậu vệ cánh (tại AFC Champions League) dẫn tới hạn chế khả năng ghi bàn. Văn Toàn mới trở lại CLB Nam Định từ Hàn Quốc sau khoảng thời gian dài không thi đấu. Tiến Linh có mùa giải 2023 đáng quên, đang tìm lại phong độ.
Thực tế ngoại binh lấn át nội binh ở khâu ghi bàn được thể hiện ngay ở vòng 1 V-League 2023 - 2024, khi 9 trong số 15 bàn được ghi bởi ngoại binh (chiếm 60%). Đơn cử như trận CLB Công an Hà Nội gặp CLB Bình Định, các ngoại binh làm chủ hoàn toàn cuộc chơi, từ khâu ghi bàn, đột phá đến tạo ra sự khác biệt, dù hai đội có không ít tuyển thủ quốc gia trong đội hình.
Với nhiều đội V-League, thậm chí tồn tại luật bất thành văn là đội bóng có tiến xa hay không phải phụ thuộc vào chất lượng ngoại binh. Có tiền đạo ngoại giỏi, vấn đề sẽ dễ giải quyết hơn. Hình ảnh thăng hoa của CLB Sài Gòn ở V-League 2020 nhờ bộ đôi Pedro Paulo - Geovane Magno, hay CLB Hải Phòng hưởng lợi nhờ Rimario ghi bàn đều đặn là minh chứng.
Sự hiện diện áp đảo của các chân sút ngoại khiến bóng đá Việt Nam chưa thể "mài giũa" những chân sút trẻ chất lượng.
Đơn cử như đội U.23 Việt Nam, cả Văn Trường và Văn Tùng đều không có chỗ đứng ở CLB Hà Nội. Quốc Việt, Văn Đô vẫn đang tìm suất đá chính ở HAGL và CLB Công an Hà Nội, trong khi Thanh Nhàn vẫn chỉ dừng ở sân chơi hạng nhất.
Khi chưa tìm ra chân sút nội triển vọng mới, hy vọng sẽ đặt vào những nhân tố kỳ cựu như Văn Quyết, Tiến Linh... Còn lại, cuộc đua vua phá lưới vẫn mang một màu sắc cũ của các ngoại binh, và có lẽ đây không phải tín hiệu tốt với đội tuyển Việt Nam.